Pasal hợp tác Ban cố vấn học thuật - nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh
Pasal hợp tác Ban cố vấn học thuật - nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh
Sáng ngày 07/8/2024, với mục đích hiện thực hóa chiến lược phát triển đường dài và mở rộng Pasal thành đơn vị cung cấp giáo dục toàn diện, Pasal chính thức ký kết hợp tác với Ban Cố vấn học thuật bao gồm:
- Bà Cao Thị Hồng Phương - Cố vấn Học thuật, Tiến sĩ Ngôn ngữ học Ứng dụng Thạc sĩ TESOL (Đại học Victoria Wellington, New Zealand), hiện đang công tác tại Khoa Tiếng Anh (Đại học Sư phạm Hà Nội), với gần 30 kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục ngoại ngữ tại Việt Nam và New Zealand.
- Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Giám đốc Học thuật, Nhà sáng lập Cộng đồng WHY NOT! Learning Community; Cử nhân Giáo dục Tiểu học (Đại học Sư phạm Hà Nội); Chứng chỉ TESOL của Học viện Australia; gần 10 năm công tác tại Trường Quốc tế Anh Quốc, 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục ngoại ngữ cho trẻ em.
Về phía Pasal, có sự góp mặt của Ông Nguyễn Duy Hân - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Bà Nguyễn Ái Việt - Tổng Giám đốc.
Hành trình hiện thực hóa sứ mệnh giáo dục
Việc ký kết với Ban Cố vấn Học thuật có ý nghĩa hết sức quan trọng trong hành trình hiện thực hóa sứ mệnh của Pasal và Ban Cố vấn Học thuật. Trong buổi ký kết, 2 bên thống nhất cùng bắt tay hợp tác nhằm mục đích mang tới cho người học những phương pháp giáo dục tân tiến nhất đang hiện hữu trong ngành giáo dục của toàn thế giới. Đồng thời hướng người học tới mục đích tối cao của việc học ngoại ngữ là để ứng dụng vào thực tế, vào học tập, vào công việc.
Chiếc lược cùng phát triển và lan tỏa đam mê
Tại Lễ ký kết, Ông Nguyễn Duy Hân - Phó Chủ tịch HĐQT Pasal đã nhấn mạnh sứ mệnh giáo dục và chia sẻ về chiến lược phát triển trong 5 năm tới của Pasal, hướng đến việc xây dựng Pasal trở thành một đơn vị giáo dục ngôn ngữ toàn diện mang lại giá trị cho người học, cho xã hội và cho chính tập thể Pasal. Đồng thời, Ông cũng bày tỏ sự vui mừng chào đón Ban Cố vấn Học thuật, trong tương lai sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững và đa dạng của Pasal.
Cũng trong Lễ ký kết, Bà Cao Thị Hồng Phương bày tỏ sự vui mừng và háo hức được cùng làm việc với Pasal khi có cùng sứ mệnh trong hành trình phát triển ngành giáo dục ngôn ngữ. Bà hy vọng trong tương lai, hai bên sẽ cùng đạt được một tầm nhìn, một tương lai, cùng giải quyết những băn khoăn, lo lắng, đồng thời thực hiện hóa sứ mệnh và lan tỏa đam mê.
Với triết lý học ngoại ngữ không phải chỉ để đi thi, mà để ứng dụng vào thực tế, Bà cho rằng một vài bài kiểm tra trong lớp học là không đủ để đánh giá năng lực ngoại ngữ của một học viên. Bà bày tỏ mong muốn cùng Pasal phát triển năng lực đội ngũ giáo viên về phương pháp giảng dạy, tư duy phản biện khi đứng lớp và cách kiểm tra đánh giá trong một lớp học. Giáo viên sẽ trở thành người định hướng, dẫn dắt người học tiếp cận với ngoại ngữ vì mục đích cuối cùng của việc học ngoại ngữ. Bà sẽ cùng Pasal xây dựng chương trình tiếng Anh liên cấp, phát triển sản phẩm học thuật IELTS, TOEIC, SAT và ươm mầm đam mê ngoại ngữ cho các thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, Bà Nguyễn Thị Phương Thảo bày tỏ hy vọng sẽ mang đam mê của mình lan tỏa tới nhiều trẻ em, nhiều vùng miền hơn nữa trên khắp Việt Nam. Đồng thời gửi ra thế giới một thông điệp rằng: “Người Việt có thể làm được. Học sinh Việt Nam hoàn toàn xứng đáng nhận được cơ hội tiếp xúc với các phương pháp học tập hiệu quả và tân tiến”.
Trong thời gian sắp tới, trên cương vị là Giám đốc Học thuật, Bà sẽ xây dựng chương trình đào tạo và kế hoạch nâng cao chất lượng giảng dạy tổng thể, cùng Pasal hứa hẹn mang tới nhiều lợi ích và giá trị cho cộng đồng học ngoại ngữ, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam.
Với kinh nghiệm, sự quan sát trong hơn 18 năm giảng dạy và công tác trong lĩnh vực giáo dục, Bà chỉ ra vấn đề chung của người học khi học ngoại ngữ là “ngại sai”. Điều này bắt nguồn từ việc khi giáo viên đưa ra đánh giá, phản hồi với câu trả lời và sự thể hiện của học sinh, liệu những đánh giá đó có mang tính xây dựng và đóng góp hay mang tính chỉ trích và phê bình. Vô hình trung, điều này khiến học sinh có tâm lý ngại ngùng, dễ thu mình và không dám thể hiện bản thân. Bà đề cập đến những phương pháp giáo dục vừa giúp học sinh phát triển chuyên môn vừa nâng cao kỹ năng mềm, xây dựng sự tự tin và mong muốn sớm được áp dụng rộng rãi những phương pháp dạy và học tiên tiến này trên khắp vùng miền tại Việt Nam.
Cùng chung tay vì nền giáo dục ngôn ngữ chất lượng cao
Trong tương lai, với sự đồng hành của Ban Cố vấn Học thuật, Pasal hứa hẹn tạo ra một hệ sinh thái giáo dục toàn diện và hiện thực hóa sứ mệnh giúp người học tiếp cận với những phương pháp hiệu quả và tiên tiến nhất. Lễ ký kết này cũng là một minh chứng cho thấy Pasal luôn không ngừng tìm kiếm cơ hội đổi mới nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, nhân lực vì mục tiêu phát triển bền vững.
Hy vọng rằng, với sự hợp tác quan trọng lần này, hai bên sẽ cùng phát huy tối đa những thế mạnh sẵn có để đóng góp giá trị cho ngành giáo dục và xã hội.
Bình luận bài viết